1. Trang chủ
  2. Toán tiếng Anh
  3. Một số kinh nghiệm làm bài thi APMOPS 2016
Một số kinh nghiệm làm bài thi APMOPS 2016
06.04.2016 Bình luận
Một số kinh nghiệm làm bài thi APMOPS 2016

Kỳ thi APMOPS 2016 bao gồm 2 vòng thi. Vòng 1 tại Việt Nam sẽ được tổ chức tại các Học xá của Tập đoàn Giáo dục Quốc tế KinderWorld ở Hà Nội vào Thứ Bảy ngày 09 tháng 4 năm 2016.

Những thí sinh đạt kết quả cao nhất tại Vòng 1 của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ được Học viện Hwa Chong mời tham dự Vòng Chung kết Kỳ thi APMOPS 2016 và Lễ trao giải tại Học viện Hwa Chong, Singapore vào Thứ Bảy ngày 28 tháng 5 năm 2016.

Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi này, CLB MathSpace chia sẻ một số kinh nghiệm như sau:

1. Quá trình học tập (chiến lược) (Phần này lẽ ra nên viết từ đầu năm, thôi giờ viết dùng cho năm sau vậy)

- Học sinh tham gia kỳ thi APMOPS nên có quá trình tiếp cận, làm quen và học Toán Tiếng Anh, có thể bắt đầu từ năm học lớp 6.

- Học sinh nên tham khảo đề thi các năm trước, các cuốn sách toán tiếng Anh phù hợp như: 

      + Twenty Problem Solving Skill

      + Math Competition for Middle School

      + Unleash Math Olympiad in you

      + Tuyển tập các bài thi Toán châu Á Thái Bình Dương 

      ....

(các cuốn sách này CLB MathSpace đều có bản in đặt mua từ nước ngoài, học sinh có thể liên hệ mượn photo nếu muốn)

- Học sinh có thể tham gia các khóa học Toán APMOPS nếu có thời gian và nếu không có khả năng tự học, hoặc tự học chưa tốt.

- Học sinh cần học đầy đủ các chuyên đề, các dạng toán thường gặp. Chú ý rằng đề thi APMOPS rất mở, rộng và sáng tạo, không năm nào giống năm nào nên việc luyện bài tủ là không nên, điều quan trọng là cách tư duy và tiếp cận bài toán.

 

2. Giai đoạn chuẩn bị thi (chiến thuật)

Qua quá trình tự học/tham giác các lớp học, tiếp cận với các chuyên đề, học sinh cần tự nắm rõ những phần kiến thức mình còn kém để bổ sung kịp thời, cần biết sức học của mình để có mục tiêu phù hợp. Thầy cô giảng dạy cũng sẽ đưa ra những mức điểm qua các bài thi thử, qua đó học sinh biết được mục tiêu cụ thể và phù hợp với mình.

Khi có mục tiêu cụ thể, việc ôn tập trong giai đoạn ngắn 1-2 tuần trước khi thi là khác nhau đối với từng mục tiêu.

Theo kinh nghiệm những năm trước, để đạt giải Bạch Kim học sinh cần làm đúng từ 24 câu trở lên (tất nhiên tùy từng năm), để đạt điểm mức huy chương đồng, học sinh đạt từ 17 câu.

Với học sinh có mục tiêu đạt HC Bạch Kim, Vàng: 

- Đây là những học sinh giỏi, trong quá trình học tập và thi thử thường đạt từ 75-80% trở lên, để đạt được kết quả cao nhất, học sinh cần sự ổn định, chính xác cao và bứt phá trong những bài khó. 

- Với những học sinh này, tôi khuyên các em cần làm bài tập trung, chắc chắn đạt điểm những câu trong khả năng của mình, sau đó ôn tập những phần khó như: Đếm (đếm hình, đếm số học, tô màu, đếm đường đi...), phần hình học (tính diện tích gián tiếp, cắt ghép hình, folding, ...)và phần logic, số học.  Đây là những phần khó, câu 6 điểm khó thường rơi vào những mảng kiến thức này.

- Đừng cố làm hết 30 câu nếu bạn không thể nghĩ ra ngay phương án làm. Hãy chỉn chu và chính xác 26 - 27 câu thay vì mất rất nhiều thời gian mò mẫm 1,2 câu khó để rồi đánh rơi điểm ở câu dễ.

Với học sinh có mục tiêu đạt HC Bạc:

- Hãy chắc chắn bạn sẽ làm đúng 9/10 câu 4 điểm, 7/10 câu 5 điểm và 4/10 câu 6 điểm.

- Lưu ý rằng có nhiều câu 6 điểm tuy nhiên khá dễ và mất rất ít thời gian để làm.

- Vào thi với tâm lý cố gắng làm 20 - 22 câu đúng sẽ giúp bạn có mục tiêu và chiến thuật làm bài hiệu quả hơn. 

- Đừng lãng phí thời gian để ôn những kiến thức quá khó trong 2 tuần cuối. Các bạn có thể chưa chắc làm được câu khó, mà lại sai một số câu trong khả năng vì chưa được củng cố đúng mức. Vì thế, hãy quên những phần quá khó đi, cả năm đã học và không hiểu, không làm được rồi, giờ đừng cố nữa:). Hãy thực tế với những gì mình có trong tay, ôn tập lại cho chắc và làm bài thật chính xác.

Với học sinh có mục tiêu đạt HC Đồng.

- Hãy ôn tập lại những phần kiến thức dễ, vừa phải, đừng mơ màng phần khó nữa, cái khó để chinh phục sau, đường còn dài, ngày mai ta học tiếp:)

- Hãy làm chắc 8 / 10 câu 4 điểm, 6 - 7/10 câu 5 điểm và 2-3 câu 6 điểm nhé.

- Làm được câu nào, cố gắng làm đúng, đừng làm ẩu và nhanh. Chúng ta chỉ cần làm 20 câu cơ mà, 120 phút / 2 câu tức là bạn có 6 phút/ câu rồi đó.  Chú ý là có 1 số câu dễ chỉ mất 1 phút, như vậy chúng ta có thêm thời gian rồi. 

 

3. Vào trận :)

- Hãy ăn no ngủ say tối hôm trước, đừng đi ngủ muộn quá, và cũng không nên ngủ sớm quá (mất ngủ, thao thức thêm mệt), hãy như mọi ngày. Chỉ là 1 kỳ thi vui thôi mà, Take it easy!

- Sáng dậy và ăn sáng ở nhà, hoặc bố mẹ đưa đến gần địa điểm thi ăn sáng. Thi tại Duy Tân, chỗ đó cũng ít tắc đường và hôm đó là thứ 7, vì thế cứ đến đó ăn sáng, nếu có tắc đường thì đi bộ cũng không sao.

- Không cần vào địa điểm thi sớm quá --> chơi đùa, chém gió cùng bạn bè lại mất năng lượng, hoặc nhìn thấy mấy kính dày, tóc tai bù xù lại hoảng (vì tưởng bạn ấy là cao thủ) mà ảnh hưởng tinh thần.

- Vào phòng thi đúng giờ, làm các thủ tục cần thiết (ghi tên, điền số báo danh...) --> thở nhẹ đi, nếu thừa thời gian thì tưởng tượng mình sẽ làm gì nếu đạt Bạch Kim:))

- Bắt đầu làm bài....

- ĐỪNG ĐỌC LƯỚT ĐỀ 1 LƯỢT ĐỂ XEM CÂU NÀO DỄ, CÂU NÀO KHÓ NHÉ!

Lý do: đề thi đã bố cục sẵn, câu 1 - 10: 4 điểm, câu 11 - 20: 5 điểm, câu 21 - 30: 6 điểm. Tức là xét tương đối thi càng về sau càng khó.

- Bạn đọc đề tiếng Anh, dịch ra tiếng Việt --> suy nghĩ hướng giải --> mất nhiều thời gian. Tôi cá là bạn đọc lượt 30 câu cũng mất 20 - 30 phút rồi, có vẻ không ổn lắm.

- Vậy: hãy đọc đề và làm bài tuần tự. Câu nào "chưa làm được" thì SKIP.

 Thế nào là câu "chưa làm được"? 

+ Đọc đề xong chả hiểu đề :(

+ Đọc đề xong đứng hình chẳng nghĩ ra cách giải, não đơ lại không nghĩ được gì.

+ Đọc đề xong, hiểu đề, nghĩ hướng giải, giải mãi ... không đến đích (khoảng 6 - 8 phút) thì nên SKIP

- Bỏ qua rồi làm câu tiếp theo....cứ làm tiếp, sau đó quay lại. 

- Hãy luôn kiểm soát tốt tâm lý, thời gian và số lượng bài đã làm.

- 20 phút cuối: đây là giờ vàng đó nha.  Chúng ta sẽ làm gì trong 20 phút cuối?

+ Thông thường sau 100 phút làm bài là các bạn cũng đã làm được kha khá tùy theo mục đích và khả năng của mình.

+ Bạn nào tính hấp tấp, lúc học hay sai, làm bài thiếu ổn định thì nên xem lại bài, cứu lấy những điểm đã làm. Làm lại và phát hiện lỗi sai sẽ giành điểm dễ hơn so với đi làm câu khó chưa làm được.

+ Bạn nào thấy mình ổn định, khá chắc chắn, ít sai thì làm tiếp 2-3 bài chưa làm được, sau đó cũng nên xem lại 1 chút.

+ Các bạn cao thủ, làm đâu đúng đó, chắc chắn như đinh đóng cột thì cứ chiến tiếp, 20 phút có thể làm thêm được 5 bài nữa cơ mà. 

 

Tóm lại, mỗi bạn cần có mục tiêu và cách tiếp cận mục tiêu phù hợp. Không có gì là chính xác hoàn toàn cả, cần uyển chuyển, linh hoạt để đạt kết quả cao nhất.

 

CHÚC CÁC BẠN THI TỐT VÀ LÀM BÀI ĐÚNG SỨC, THI XONG NHỚ ĐI CHƠI, ĐI XEM PHIM, KẾT QUẢ VÀ ĐÁP SỐ BÀN SAU, QUẲNG GÁNH LO ĐI MÀ VUI SỐNG:)

CHÚC RIÊNG 60 HỌC SINH THAM GIA 2 LỚP APMOPS 2016 CỦA THẦY HIẾU ĐẠT THÀNH TÍCH CAO.